Đã 3 tuần trôi qua kể từ khi tôi đặt chân đến Mỹ, nơi tôi đã mơ ước từ lâu, được sống và học tập. Mọi chuyện như một giấc mơ, một giấc mơ mà tôi không bao giờ muốn thoát khỏi, một giấc mơ mà khi thức dậy, tất cả những hành động, những cảm xúc vẫn tồn tại trong tâm trí tôi như thể nó vừa xảy ra.
Sung sướng đến cứng đờ, đó là tất cả cảm giác của tôi khi mẹ cho phép tôi tham gia vào chuyến đi Mỹ của trường tổ chức. Làm sao mà không sung sướng cho được khi cơ hội được thăm quan, được học tập, được hiểu về lối sống ở Mỹ đang đến với tôi! Làm sao mà không sung sướng cho được khi trường mình đang theo học có hẳn một chương trình trao đổi học sinh với một trường của Mỹ!
Một ngày, hai ngày… từng ngày, từng ngày trôi qua, thoắt cái đã đến ngày tôi lên máy bay đi Mỹ.
- “2 tuần ở Mỹ, con nhớ tự chăm sóc bản thân nhé, bên đấy lạnh lắm, nhớ mặc nhiều áo vào…”
- “ chị ơi, đi Mỹ về chị phải mua quà cho em nhé, nhớ đấy, không là em không lấy tiền lì xì cho chị đâu…”
…
Tin nhắn đến: “Đi qua Tết cơ à, vui vẻ và nhớ giữ gìn sức khỏe nhé…”, “Cậu đi tận 2 tuần, chả tụ tập được gì cả, nhưng thôi, đi Mỹ oách thế còn gì, vui vẻ nhé…”
Tất cả những lời căn dặn của mẹ, giọng nói quen thuộc của 2 đứa em, những tin nhắn tạm biệt của bạn bè… lặp đi lặp lại trong suy nghĩ của tôi khi đang chờ lên máy bay, ngồi đọc những bức thư đầy những lời yêu thương từ người thân, bạn bè, nước mắt cứ chảy dài trên khuôn mặt cho dù tôi đã cố gắng ngăn nó lại. Chưa bao giờ tôi đi xa mà không có gia đình, cũng chưa bao giờ tôi bỏ lỡ cái Tết ở Hà Nội, có lẽ đấy cũng là lí do tôi khóc, khóc vì nhớ nhà, nhớ bạn bè, nhớ Hà Nội. Đã đến giờ lên máy bay, tôi quẹt vội những giọt nước mắt, hít một hơi thật sâu, chuẩn bị tinh thần cho 2 tuần tới, 2 tuần ở một đất nước xa xôi, 2 tuần để tự lập, 2 tuần để tự đi tìm một điều mới lạ…
30 tiếng trôi qua, 30 tiếng chỉ ngồi, chờ đợi, quãng thời gian ấy đủ làm cho tôi cảm thấy kiệt sức. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã đặt chân đến sân bay JFK, New York, chúng tôi chỉ có 5 phút để vừa lấy hành lí, vừa làm thủ tục, một điều không tưởng. Kết quả mà có lẽ ai cũng đã lường trước được, chúng tôi lỡ máy bay lên Boston. Nhưng đối với 8 đứa chúng tôi, thì có lẽ đó lại là một điều tốt.
30 tiếng ngồi máy bay, giờ thì không ai muốn tiếp tục ngồi máy bay cả, một quán ăn và thời gian để nghỉ ngơi là tất cả những gì chúng tôi cần lúc này. Sau khi đánh chén vài cái bánh burger, cả nhóm lăn ra ngủ để giết thời gian. Có vẻ như khoảng thời gian từ Hà Nội đến Boston, ngủ chiếm đến 90%, cả khi lên máy bay đi Boston, chúng tôi vẫn chỉ ngủ, ngủ và ngủ.
Bước ra khỏi sân bay để chuẩn bị lên xe về Winchendon, tôi đã thực sự bị đánh gục bởi cái lạnh đến -20 độ này, cứ như thể sống trong một cái tủ lạnh vậy.
Quá hồi hộp về những gì mình sẽ được trải nghiệm, sung sướng khi đặt chân đến Mỹ, cái lạnh kinh hoàng cộng thêm nhạc hip hop tràn ngập trên xe, khiến tôi không thể nào ngủ tiếp được nữa. Cũng may thay, tiếp đó chúng tôi đến thăm nhà thầy Hiệu trưởng, tôi không muốn mang muốn gương mặt ngái ngủ khi vào nhà thầy. Nhận được sự đón tiếp nồng ấm từ thấy Hiệu trưởng cũng như các thầy cô giáo - chủ nhà homestay, chúng tôi ai ai cũng cảm thấy thật ấm lòng, điều ấy thật cần thiết khi chúng tôi đang sống giữa cái bầu không khí “trong tủ lạnh” như thế này.
6h30 sáng thứ 2 tôi và một đứa bạn tranh thủ chạy ra bãi tuyết trước mặt làm vài pô ảnh, đứng giữa trời tuyết chụp ảnh đúng là một thử thách, chỉ khoảng 3 phút mà chúng tôi đã lạnh cóng cả người, tê miệng đến mức không còn cười nổi được nữa, có cười cũng không trở về trạng thái bình thường được, phải chạy vào nhà sưởi ấm mới được! Nghĩ rồi tôi chạy một mạch về nhà ngồi trước lò sưởi, cuối cùng cũng đã cảm nhận được máu tiếp tục chảy trên gương mặt, chân, tay rồi toàn bộ cơ thể. Hít một hơi thật sâu, 2 đứa chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày đầu tiên được thể hiện mình trên đất bạn, ai cũng thật hồi hộp.
Sau khi hoàn tất bữa sáng truyền thống của nước Mỹ, một bữa sáng với đầy đủ khoai tây, trứng và sữa, nguồn năng lượng trong tôi đã được nạp đủ, sẵn sang cho một ngày mới. Đang mông lung suy nghĩ về ngày hôm nay, bỗng nhiên một tốp học sinh Mỹ đi vào phòng ăn rồi mở lời chào, một thoáng ngạc nhiên đi qua tâm trí tôi, đó là những người bạn Mỹ đầu tiên của chúng tôi - những partner. Partner của tôi là một cô bé với gương mặt ngây thơ và rất hồn nhiên, cô bé có vẻ kém tuổi hơn tôi. Tôi chào lại với một nụ cười thân thiện rồi theo Bridget – tên của cô, bước vào lớp học đầu tiên, thử thách đầu tiên, những giây phút thể hiện mình đầu tiên, lớp Khoa học. Nghe tên thôi cũng đủ tôi thấy rùng mình, bởi một lẽ đơn giản, đó là môn tôi kém nhất. Quả không ngoài sức tưởng tượng của tôi, môn học này rất “khoai”.
Bên cạnh những vấn đề về kiến thức mới, từ vựng cũng là một vấn đề khá nghiêm trọng, toàn bộ bài học bao trùm bởi những từ ngữ chuyên môn, phải thật chú ý tôi mới có thể hiểu được ý chung. Ấn tượng đầu tiên của tôi về những buổi học ở Mỹ không chỉ dừng lại ở những nguồn kiến thức rất rộng, mà còn vì phong cách học tập của học sinh ở đây.
Quả thật tôi đã bị shock bởi sự thoải mái của các bạn học sinh, khi học, họ không có bất kì một sự gò bó nào, thoải mái làm những gì mình thích nhưng vẫn tập trung học, điều gần như không thể tìm thấy trong các lớp học ở Việt Nam. Và tôi đã thực sự ngạc nhiên khi dự một giờ kiểm tra, các bạn có thể hỏi giáo viên bất kì câu hỏi nào trong bài nếu không rõ, giáo viên sẽ hướng dẫn và gợi ý cho bạn, trong khi ở Việt Nam, không một học sinh nào được cho phép hỏi bài. Đó có lẽ cũng là những lí do tôi không thể tìm thấy một sự gò bó trong học tập ở bất kì một học sinh nào.
Cùng bước vào thử thách thứ 2 nào, lớp tiếng Tây Ban Nha, sự lo lắng tràn ngập trong tôi, tôi chưa bao giờ được học bất kì một thứ tiếng nước ngoài nào ngoài Tiếng Anh, trong khi tiếng Tây Ban Nha ở Mỹ lại là một thứ tiếng vô cùng phổ biến. Nhưng trái ngược với suy nghĩ của tôi, tiếng Tây Ban Nha quả thật rất thú vị, tôi hoàn toàn có thể hiểu được những kiến thức về ngữ pháp mà thầy William cung cấp cho chúng tôi hôm nay.
Ở Winchendon, trường mà tôi đang theo học, môn học chính không phải là Toán hay bất kì một môn khoa học nào mà lại là một môn rất xa lạ đối với tất cả học sinh Việt Nam chúng tôi, môn học có tên gọi khá lạ, Global Dynamics, có thể tạm dịch là ‘thế giới chuyển động’ hay ‘thế giới kỳ thú’ cũng được. Mỗi một học kỳ, nhà trường sẽ lựa chọn một lục địa để cả trường cùng học, bất kể là bạn đang là học sinh lớp 10 hay lớp 12.
Trong một học kỳ, bạn sẽ được học về tất cả các quốc gia trong lục địa đó, về văn hóa, tôn giáo, phong tục và tập quán của họ. Như vậy, khi tốt nghiệp bậc trung học, các bạn học sinh trường Winchendon đã được trang bị đầy đủ kiến thức để sẵn sàng hội nhập với thế giới này. Chính vì tầm quan trọng của môn học này, ngoài một môn văn hóa, khoa học và một môn thể thao, âm nhạc, tất cả các giáo viên khi được nhận giảng dạy tại trường đều phải dạy thêm môn học Global Dynamics.
Chúng tôi đến Winchendon đúng đợt trường bạn đang học chủ đề các tôn giáo của vùng Trung Đông nên lớp này đã thực sự là một thử thách lớn đối với tôi. Tuy rất phức tạp, nhưng những câu chuyện về Chúa thực sự rất có ý nghĩa và nó đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều, suy nghĩ về lẽ sống, suy nghĩ về việc mình có mặt trong cuộc sống này, suy nghĩ về giá trị bản thân và suy nghĩ về tất cả những người xung quanh, những hành động, những cách ứng xử, những tâm tư tình cảm của họ, những điều mà có lẽ tôi chưa bao giờ quan tâm.
Dù ở trong mội trường toàn các học sinh bản xứ, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng dường như lớp Tiếng Anh đối với tôi lại là nhẹ nhàng nhất, vì vốn ngữ pháp của tôi đủ để đáp ứng những yêu cầu trong lớp, thậm chí vượt xa hơn một chút. Tôi làm quen được với những người bạn ở đây có lẽ cũng vì lí do ấy. Điều đó cũng xảy ra với tôi khi tôi tham gia lớp Toán, không chỉ với tôi mà với mọi học sinh Việt Nam thì có lẽ Toán chính là môn thế mạnh.
Vậy là tôi đã vượt qua 5 thử thách một cách khá khó khăn, nhưng những ngày tiếp theo, vẫn chỉ có những môn học đó, tôi đã nhanh chóng bắt kịp chương trình. Con đường đi tìm điều mới lạ vẫn trải dài trước mắt tôi, mỗi bước đi, tôi lại tìm ra những điều mới lạ, với lớp học vẽ, hay với những môn thể thao mùa đông mà tôi chưa bao giờ được chứng kiến như hockey hay sleding, tham quan những trường đại học danh tiếng nhất thế giới như Harvard, MIT hay Boston University,… tất cả đều thật thú vị, thật mới mẻ. Sống trong một môi trường mới, với những con người mới, những tính cách mới, những lối sống mới, văn hóa mới… suy nghĩ của tôi cũng như được làm mới lại hoàn toàn, điều đó thật thú vị, và cũng chính là điều tôi muốn có khi quyết định tham gia vào chuyến đi Mỹ.
10 ngày thấm thoắt trôi qua, đã đến ngày tôi tạm biệt ngôi trường xinh xắn Winchendon, tạm biệt những người bạn người Mỹ, tạm biệt khung cảnh yên bình nơi đây để đến với thành phố sầm uất New York. Những lời tạm biệt, nhắn nhủ, những món quà, những cái ôm, tất cả nằm gọn trong một góc của trái tim tôi, góc dành cho Winchendon.
Xe buýt đã dừng lại ở ga New York, tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi khung cảnh của thành phố sầm uất này, trái ngược hẳn với Winchendon yên bình, New York được bao quanh bởi hàng chục tòa nhà cao chọc trời, mọc san sát nhau. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu để tôi định thần lại mình đang đứng trên thành phố với nhiều nhà cao tầng nhất trên thế giới. Mỗi tòa nhà là một phong cách khác nhau, cứ như vậy, tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, lại một sự khám phá mới khi tôi được tận mắt nhìn thấy Tượng nữ thần tự do, rồi lại Empire States, UN… mọi thứ như trong những bộ phim của Hollywood vậy.
Ngắm nhìn New York như thể tôi đang mơ vậy, nhưng đã đến lúc phải bước ra khỏi giấc mơ đó để quay về với mục đích chính của chuyến đi này, học tập. Chúng tôi quay về trường Đại học St. John’s, nơi chúng tôi có 3 ngày để tìm hiểu và thăm quan. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy một trường đại học lớn đến như vậy, trường đại học này bao gồm những tòa nhà cho các ngành học khác nhau, cả những khu thể thao lớn như sân bong rổ, bong đá, bể bơi,… Một môi trường học tập hoàn hảo, chính những đại học lớn như thế này đã biến nước Mỹ trở thành giấc mơ du học cho biết bao nhiêu học sinh trên toàn thế giới.
Quãng thời gian 3 ngày là quá ngắn ngủi để tôi có thể khám phá toàn bộ thành phố NY cũng như trường đại học St. John’s, nhưng tôi đã tìm được cho mình những gì tôi muốn tìm trong quãng thời gian ở Mỹ, những trải nghiệm mới, khám phá mới.
Giấc mơ đã kết thúc, đến lúc thức dậy, tôi lại tiếp tục cuộc sống thường ngày ở Việt Nam. Những kỉ niệm trong những ngày ở Mỹ sẽ là những kỉ niệm đẹp nhất trong năm nay của tôi. Nhưng tôi cũng không quá buồn vì tôi biết những trải nghiệm tôi có được trong chuyến đi này sẽ mãi theo tôi, và vì những trải nghiệm đó, tôi sẽ luôn cố gắng và tự tin để vươn lên, và quan trọng hơn cả, những năm trung học còn lại của tôi chắc hẳn sẽ rất thú vị.
Năm học tới, trường Trí Việt của tôi sẽ chuyển địa điểm học đến khu đô thị mới Trung Văn, và tôi sẽ được học tại một ngôi trường khang trang hiện đại được thiết kế bởi những kiến trúc sư Mỹ, với một chương trình đào tạo kết hợp với các đối tác Mỹ, trong đó có trường Winchendon mà tôi vừa đến tham quan, và những giáo viên người Mỹ. Như vậy, chẳng phải là tôi đã được học trong một môi trường Mỹ ngay giữa lòng Hà Nội hay sao? Và tôi tin, với sự nỗ lực của mình, Trí Việt sẽ là con đường dẫn tôi đến cánh cổng đại học Mỹ mà tôi hằng mong ước.