Sốc văn hóa
Ngày tạo: 27-08-2010
Sốc văn hóa miêu tả quá trình sốc văn hóa, các tác động của sốc văn hóa, cách tự cứu giúp mình ra khỏi sốc văn hóa, bài học của sốc văn hóa khi du học nước ngoài.
Sốc văn hóa là gì?

111.png« Sốc văn hóa » là tác động của việc di chuyển từ một nền văn hóa quen thuộc sang một nền văn hóa không quen thuộc. Đây là trải nghiệm của những người phải ra nước ngoài làm việc, sinh sống hay học tập. Điều này cũng có thể được người ta cảm nhận trong một số trường hợp khác, ví dụ như khi đi du lịch ở nước ngoài. Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người, trong đó có du học sinh quốc tế. Sốc đối với du học sinh quốc tế bao gồm : sốc vì môi trường mới, sốc vì gặp nhiều người mới và học tập cách thức của một nước mới. Bên cạnh đó là sốc vì phải sống xa những người thân, gia đình, bạn bè, thầy cô : là những người bạn có thói quen trò chuyện những khi bạn cảm thấy mất tự tin, cần có người chia sẻ, những người hỗ trợ và giúp đỡ bạn. Nếu bạn thấy mệt mỏi, thì ngay cả những chuyện vặt vãnh tầm thường cũng làm cho bạn thấy quá sức, bạn cảm nhận sự tác động của nó lớn hơn nhiều so với tác động thực tế của nó. Sau đây là những yếu tố làm cho bạn cảm thấy sốc :
Khí hậu
Nhiều học sinh cảm thấy khí hậu tác động đến mình rất nhiều. Ví dụ khi bạn đến Anh, sẽ phải chuẩn bị tinh thần làm quen với cái xám lạnh trong những tháng mùa đông ở đây, hay nếu đi Melbourne, phải làm quen với cái nóng và gió, nếu đi Pháp vùng... Toulouse bạn phải thảng thốt vì bầu trời đẹp đến thế, so với quê mình thì sao.…
Thực phẩm
Bạn có thể thấy thức ăn của nước ngoài thật là kì cục, khẩu vị khác, cách nấu nướng cũng khác. Nếu bạn sống ở homestay, hãy khéo léo đề nghị chủ nhà nấu những cái bạn thích.
Ngôn ngữ
Lúc nào cũng nghe và nói bằng ngoại ngữ khiến bạn căng thẳng. Bạn sẽ cảm thấy nhớ tiếng nước mình, là điều mà khi ở nhà biết bao thân thuộc gần gũi với bạn. Thậm chí ngay cả khi bạn rất thành thạo ngoại ngữ nơi bạn đến, thì cái ngữ điệu, cái cách nói của dân địa phương nơi bạn đến cũng làm bạn phải mất thời gian mới nghe quen tai được. Có thể người ta lại nói nhanh, bạn sẽ cảm thấy ngại khi phải xin người ta nhắc lại.
Quần áo
Nếu quen với khí hậu nóng nực rồi, bạn có thể sẽ thấy bất tiện khi phải mặc những bộ quần áo nặng nề của mùa đông. Không phải ai cũng ghét cách ăn mặc của người nước ngoài, nhưng có thể bạn sẽ cảm thấy ngượng ngùng, ngại ngập khi ăn mặc khác.
Vai trò xã hội
Cách ứng xử trong xã hội có thể làm bạn bối rối, bất ngờ hay xúc phạm. Ví dụ bạn sẽ cảm thấy người nước ngoài sao có vẻ lạnh lùng, xa cách hay lúc nào cũng tất bật. Nếu ở trung tâm các thành phố lớn như Paris, Sydney, London,… bạn sẽ càng cảm thấy điều này mạnh mẽ. Hoặc có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy có những cặp đôi ôm hôn nhau giữa nơi công cộng. Bạn có thể sẽ cảm thấy mối quan hệ giữa nam và nữ bình đẳng hơn hay ít bình đẳng hơn so với môi trường quen thuộc của bạn, tương tự đối với các mối quan hệ cùng giới và các quan hệ xã hội, bạn bè khác.
« Nguyên tắc » ứng xử
Bên cạnh những thứ có thể nhìn thấy được tác động ngay lập tức đến bạn khi bạn đặt chân xuống sân bay ở nước ngoài như ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, thì mọi nền văn hóa đều có những nguyên tắc không thành văn tác động lên cách con người cư xử với nhau. Những điều này có thể khó nhận ra ngay, nhưng sớm hay muộn bạn cũng sẽ phải trải qua và bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng. Ví dụ, có thể sẽ có sự khác nhau trong việc cho cái nào là quan trọng hơn, công việc được phân chia như thế nào và thời gian thực hiện thế nào là dài,ngắn. Bạn nên luôn luôn đến đúng giờ khi đi học, đi nghe giảng ở lớp hay gặp bạn cùng lớp hay gặp các cán bộ nhân viên văn phòng. Nếu bạn có nguy cơ đến muộn, hãy cố gắng thông báo cho người mà bạn gặp được biết. Trong cuộc sống xã hội phức tạp hơn. Gặp nhau để đi xem phim lúc 8 giờ tức là phải đến đúng 8 giờ. Nhưng nếu bạn được mời đến ăn tối ở nhà ai đó vào lúc 8 giờ, thì bạn nên cố sắp xếp đến lúc khoảng 8 giờ 10 phút, nhưng chớ có đến muộn hơn 20 phút. Nếu đi dự hội sinh viên, mà giấy mời là 8 giờ, thì có nghĩa là bạn có thể đến vào bất cứ lúc nào từ 9 giờ 30 trở đi.
Các giá trị
Mặc dù bạn có thể dần quen với sự khác nhau về văn hóa trong thế giới vật chất mà bạn thấy được như thực phẩm, quần áo, cách cư xử, nhưng bạn sẽ nhận ra rằng mọi người từ các nền văn hóa khác nhau có cách nhìn nhận thế giới rất khác so với bạn. Văn hóa hình thành từ những tập hợp giá tri, tiêu chuẩn, định kiến và niềm tin. Đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên và thất vọng vì mọi người không có cùng với bạn những giá trị nằm lòng của bạn, vì chúng ta ai cũng tưởng các giá trị của mình là chuẩn mực. Bạn hãy cố gắng tối đa để không đánh giá gì hết, cho đến khih bạn hiểu được mọi phần của vấn đề, tìm ra được sự lí giải lô gích của nó, tại sao nó lại như vậy. Hãy cố gắng nhìn nhận điều người ta nói hay làm trong các tiêu chuẩn văn hóa của họ. Điều đó sẽ giúp bạn hiểu người khác nhìn nhận cách ứng xử của bạn như thế nào, rồi bị bạn cũng hiểu được cách ứng xử của người khác. Khi bạn hiểu được cả hai nền văn hóa, thì hẳn bạn sẽ tìm ra được những khía cạnh mà bạn thích và những khía cạnh mà bạn không thích.
Sốc văn hóa thường thấy
Nhiều người trả qua các giai đoạn của quá trình này nhiều lần, có nghĩa là các giai đoạn có thể bị lặp đi lặp lại. Ví dụ, vào những lúc quan trọng như là các ngày lễ hội hay hội họp ở gia đình, bạn sẽ cảm thấy khó khăn và cô đơn, lạc lõng, nhưng những lúc bình thường khác thì bạn lại cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, quá trình sốc văn hóa này phản ảnh cảm giác của họ và cảm thấy rất hữu ích khi mà thấy rằng có nhiều người cùng cảm nhận giống mình. Quá trình này có thể được phân ra làm 5 giai đoạn như sau :
1. Giai đoạn « trăng mật »
Khi bạn mới đến một môi trường văn hóa mới, sự khác lạ làm bạn tò mò, cuốn hút và cảm thấy phấn chấn. Giai đoạn này, bạn vẫn còn có cảm giác được bảo vệ từ trí nhớ về môi trường văn hóa ở nhà.
2. Giai đoạn « nặng nề »
Ngay sau đó, sự khác nhau tác động đến bạn và bạn cảm thấy bỡ ngỡ, xa lạ, lạc lõng, không phù hợp với mình, không phải là của mình do sự khác nhau về văn hóa và những sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè không còn ngay bên cạnh nữa.
3. Giai đoạn « hòa nhập »
Tiếp theo, bạn có thể gạt bỏ được sự khác biệt mà bạn gặp phải. Bạn có thể cảm thấy tức tối, bực bội, khó chịu hay thù địch với văn hóa mới. Vào giai đoạn này, bạn sẽ chủ yếu thấy rằng bạn ghét đến mức nào cái nền văn hóa mới so với văn hóa quê nhà. Đừng lo, vì đây thật là một phản ứng tốt. Bạn đang kết nối lại bạn với các giá trị của bạn, với chính bạn và với nền văn hóa quê hương bạn.
4. Giai đoạn « tự chủ »
Sự khác nhau và sự giống nhau được chấp nhận. Bạn sẽ cảm thấy thảnh thơi, tự tin, quen thuộc vì bạn đã cảm thân quen với hoàn cảnh và cảm thấy có thể vượt qua được các tình huống mới dựa trên kinh nghiệm mà bạn đã trải qua.
5. Giai đoạn « độc lập »
Sự khác nhau và sự giống nhau có giá trị và quan trọng. Bạn sẽ cảm thấy đầy tiềm năng và có thể tự tin vào chính bạn trong mọi tình huống. Mọi tình huống đếu trở nên vui vẻ và bạn sẽ có khả năng quyết định dựa trên sở thích và giá trị của riêng bạn.
Một số tác động của sốc văn hóa
Một số các triệu chứng của sốc văn hóa có vẻ đáng lo ngại. Ví dụ, có thể bạn sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, bị đau đầu, đau bụng hay có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng cho sức khỏe của mình nhiều hơn trước. Có thể bạn sẽ cảm thấy khó lòng mà tập trung vào việc được nên việc học tập cũng bị ảnh hưởng xấu. Một số người cảm thấy dễ nổi nóng hơn, dễ chảy nước mắt hơn và tâm trạng cũng dễ thay đổi hơn. Các tác động này đều làm cho bạn cảm thấy lo lắng.
Làm thế nào để tự cứu giúp mình
222.jpg
Mặc dù sốc văn hóa thông thường là một giai đoạn tạm thời, những cũng rất quan trọng mà biết có thể làm được gì để tự giúp mình để lo lắng có thể giảm thiểu. Đừng nghĩ rằng « sốc văn hóa sẽ chẳng tác động gì được tới mình đâu ». Sốc văn hóa sẽ hạ gục bất kì ai, cho dù bạn đến từ bất kì môi trường văn hóa nào, cho dù bạn có nhiều kinh nghiệm đến mấy, hay cho dù bạn đã từng đi du lịch nhiều như thế nào.
+Cứ đơn giản nghĩ rằng đây là một chuyện bình thường cũng đã giúp bạn thoát khỏi sốc văn hóa.
+Giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình : có nhiều cách, thư từ, điện tín, điện thoại, email…Nhiều nước như Anh, Pháp, Úc… đều có các công ty điện thoại bán thẻ gọi điện giá rẻ cho sinh viên Việt Nam. Hãy kiểm tra tất cả mọi ưu đãi dành cho sinh viên ! Các chương trình truyền hình vệ tinh cũng có ích. Hãy xem trường mình có những gì dành cho sinh viên quốc tế. Hãy trang trí quanh bạn những đồ vật có ý nghĩa cá nhân riêng bạn như ảnh, vật kỉ niệm…
+Tìm thức ăn quen thuộc ở các khu chợ Việt hay chợ Châu Á. Những người bạn sang trước sẽ giúp bạn. Hãy cố gắng ăn uống cân bằng.
+Hãy luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Vừa là cách để bảo vệ sức khỏe, vừa là cách để gặp gỡ bạn bè.
+Hãy kết bạn với các sinh viên quốc tế khác từ Việt Nam hay từ các các nước khác vì các bạn ấy sẽ hiểu được tâm trạng của bạn, nếu có thể hãy kết bạn với các sinh viên bản địa để bạn có thể hiểu được văn hóa của nhau.
+Xử dụng các dịch vụ của trường nơi bạn học, nơi có các nhân viên chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Ví dụ như các dịch vụ y tế, tư vấn, văn phòng sinh viên quốc tế … sẽ lắng nghe bạn. Nếu ở trong nước, bạn chẳng cần đến những cái đó, thì ở nước ngoài, sử dung các dịch vụ đó là chuyện bình thường. Nếu bạn cảm thấy khó sống, thì người bảo hộ, hướng dẫn hay phụ trách bạn nên được biết. Người này sẽ giúp đỡ bạn, đặc biệt là sẽ tư vấn cho bạn cách học tập, tìm cách học tốt nhất cho bạn.
+Hãy tìm đến với các hiệp hội sinh viên. Có thể từ đó bạn sẽ có cơ hội học một môn thể thao mới, hay tiếp tục các hoạt động, các sở thích mà bạn đã có từ khi ở nhà. Hơn nữa, theo các hiệp hội này, bạn sẽ quen biết được với các bạn cũng xa nhà đi học và cùng chia xẻ sở thích, quan tâm. Các bạn sẽ cùng nhau tổ chức các dịp lễ hội của mình như tết…
+Tốt nhất nên tìm ai đó chịu nghe để mình thổ lộ và kể lể, đừng tách biệt mình ra bên ngoài.
Kết luận :
Cần phải nhấn mạnh lại rằng sốc văn hóa hoàn toàn bình thường, thường là không thể tránh được và không phải là không vượt qua được. Trên thực tế, sốc văn hóa có những mặt rất tích cực. Trải qua nó, bạn sẽ tìm được kinh nghiệm có ý nghĩa, làm cho bạn có ý thức hơn về văn hóa của chính bạn cũng như là hiểu sâu hơn văn hóa mới của nước bạn du học. Điều đó sẽ dạy cho bạn nhiều kĩ năng giá trị mà bạn sẽ cần trong cuộc sống hiện tại hay trong tương lai. Đây cũng là một điều học hỏi có ý nghĩa khi chúng ta quyết định lựa chọn con đường du học nước ngoài.
VIDEO HOẠT ĐỘNG
Hỗ trợ trực tuyến
HỌC BỔNG CÁC NƯỚC
HỘI THẢO DU HỌC